Bạch quả vốn được xem là loài cây quý hiếm, tốt cho trí não con người. Tuy nhiên, cây bạch quả là gì? Trồng hay mọc ở đâu? Cao bạch quả Ginkgo Biloba có tác dụng chữa trị bệnh gì? 1 số loại thuốc phổ biến trên thị trường như: Ginkgo Biloba 40, Ginkgo Biloba 60, 80, 120mg… có tốt không? Những thông tin này vẫn còn khá mơ hồ với nhiều người.
Vậy hãy cùng các chuyên gia của Gnite theo dõi bài viết này để hiểu thêm về cây bạch quả cũng như tác dụng của nó nhé!
Nội dung chính trong bài
- Cây bạch quả là gì?
- Cây bạch quả có tác dụng gì?
- Tác dụng của cây bạch quả theo Đông y, Tây y
- 1 số bài thuốc từ dược liệu bạch quả
- Tìm hiểu về: Cao bạch quả Ginkgo Biloba
- Cao bạch quả là gì?
- Cao bạch quả có tác dụng gì?
- 1 số loại Ginkgo Biloba phổ biến trên thị trường
- Những lưu ý khi sử dụng cao bạch quả Ginkgo biloba

Cây bạch quả là gì?
Bạch quả là cây bản địa tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, có niên đại từ hàng trăm năm về trước. Đây là loại cây quý hiếm vì nó là loài thân gỗ duy nhất còn tồn tại trong chi Ginkgo.
Tên gọi khác
Áp cước tử, Ngân hạnh, Công tôn thụ, Arbre aux quarante écus
Tên khoa học
Ginkgo biloba L
Thuộc họ
Bạch quả (danh pháp khoa học: Ginkgoaceae.).
1 số đặc điểm hình thái của cây bạch quả
- Chiều cao: Thông thường là 20 – 35m, 1 số cây ở Trung Quốc có thể cao đến 50m.
- Thân cây: Gồm nhiều cành dài, mọc thành vòng, chia thành những nhánh ngắn.
- Lá: Cấu trúc lá có gân, phiến lá chia thành hai thùy. Có hình quạt, phía trên của mép lá có hình tròn, nhẵn, phần giữa của mép lá hơi lõm.
- Quả: Có kích thước bằng quả mận, bên trong thịt quả màu vàng, có mùi bơ khét hơi khó chịu.



Cây bạch quả phân bố ở đâu?
Trong nhiều thế kỷ qua, người ta cho rằng cây bạch quả đã tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng hiện nay, nó vẫn được tìm thấy mọc ít nhất ở Trung Quốc (Chiết Giang) và khu vực bảo tồn Thiên Mẫu Sơn. Ở Việt Nam, dược liệu bạch quả mọc rải rác ở miền Bắc, quanh 1 số ngôi chùa và vườn hoa để làm cảnh. Nhìn chung, cây thuốc này vô cùng quý hiếm và không phải hiệu thuốc nào cũng có.
Cây bạch quả có tác dụng gì?
Bạch quả được thu hái quanh năm. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là quả và lá (ngân hạnh diệp). Sau khi thu hái, rửa sạch thì để ráo nước, có thể sử dụng bạch quả tươi hoặc phơi khô, tán mịn thành bột, bảo quản để sử dụng dần trong thời gian dài.
Tác dụng của cây bạch quả theo Đông y, Tây y
– Theo Đông y, bạch quả có vị ngọt đắng, tính ấm, ăn chín giúp ích khí, ích phổi, trừ hen, giảm ho, khỏi được chứng tiểu tiện, hết được chứng khí hư, bạch đới.
– Bạch quả tươi, ăn trực tiếp có tác dụng giáng đờm, giải rượu, tiêu độc, sát trùng. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều vì có thể gây đầy bụng, khó chịu.
– Hạt bạch quả thường dùng để nấu chè, có tác dụng giúp tăng trí nhớ, bổ thận tráng dương, trị phế lao kết hạch, hen đờm suyễn, bạch đới, tiểu dắt.
– Lá bạch quả được xem là loại thuốc bổ cho tim, phổi. Sử dụng bên ngoài để điều trị vết loét, dùng bên trong để điều trị tiêu chảy.
– Theo y học hiện đại ngày nay, bạch quả được sử dụng chủ yếu để chữa bệnh sa sút trí tuệ do thiểu năng tuần hoàn máu não, giúp cải thiện trí nhớ, nhận thức, điều trị hội chứng tiền đình, ù tai, trầm cảm, lo âu, căng thẳng, viêm tắc mạch máu chi, hội chứng Raynaud.

1 số bài thuốc từ dược liệu bạch quả
– Cắt cơn hen suyễn: Bạch quả (đập vỡ) 16g, khoản đông hoa 12g, bán hạ chế 12g, ma hoàng 8g, hoàng cầm 8g, vỏ rễ dâu 12g, tô tử 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Tất cả đem sắc uống.
– Hen phế quản, lao phổi có ho suyễn: Bạch quả 10 hạt bóc bỏ vỏ cứng, thêm nước nấu chín, thêm mật ong khuấy đều. Mỗi tối ăn một lần.
– Tiểu rắt, di tinh do khí hư (sức lực suy yếu): Đậu ván trắng 63g, bạch quả 1g, lõi thân và cành hướng dương 16g. Tất cả đem sắc lấy nước, thêm ít đường đỏ vào để uống.
– Váng đầu, chóng mặt: 3 hạt bạch quả, cùi nhãn 8 quả, thiêm ma 3g, ăn vào lúc đói buổi sáng.
– Chữa mộng tinh: Bạch quả 3 hạt, đồ chín bằng hơi rượu rồi ăn. Mỗi ngày làm một lần, ăn liền từ 4 đến 7 ngày.
– Lao phổi: Bạch quả thu hoạch vào mùa thu, ngâm trong dầu thảo mộc 100 ngày. Ngày ăn 3 lần, mỗi lần một quả, liên tục từ một đến 3 tháng.
– Phụ nữ bị sa tử cung, khí hư bạch đới: Bạch quả 6g, liên nhục 15g, gạo tẻ 50g, gà giò một con (làm sạch bỏ ruột). Đem bạch quả, liên nhục tán thành bột nhồi vào bụng gà rồi khâu lại, đặt trong nồi, cho gạo và nước vào hầm nhỏ lửa đến khi chín thêm mắm, muối, gia vị vừa ăn. Chia ra ăn hết trong ngày, mỗi tuần dùng từ một đến 2 lần.
– Phụ nữ cơ thể suy nhược: Thịt gà 100g, rượu trắng 30ml, hạt sen (bỏ tâm) 10g, nhân bạch quả 10g. Cho tất cả vào nồi nước hầm nhỏ lửa, thêm gia vị, mắm, muối vừa ăn. Chia ra ăn từ một đến 2 lần trong ngày.

Tìm hiểu về: Cao bạch quả Ginkgo Biloba
Cao bạch quả là gì?
Cao bạch quả chính là sản phẩm được nấu từ bạch quả tươi, sau khi đã rửa sạch, phơi khô và để ráo nước. Chế biến cao bạch quả đòi hỏi kỹ thuật cao, những người có kinh nghiệm để đảm bảo giữ được công dụng dược lý ban đầu.
Về cơ bản thì tác dụng của cao bạch quả cũng giống như bạch quả tươi. Ngoài ra, y học hiện đại đã nghiên cứu và đưa cao bạch quả vào làm vị thuốc chữa nhiều bệnh, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trí não con người.
Cao bạch quả có tác dụng gì?
Theo nghiên cứu, trong chiết xuất cao bạch quả có chứa các hoạt chất Flavonoid, glicozit, ginkgolit, bolobalit… đóng vai trò như chất chống oxy hóa, ngăn chặn các gốc tự do, có tác dụng cải thiện chức năng tuần hoàn máu ở cả não và cơ thể:
Đối với não bộ
– Cao bạch quả giúp điều hòa và tăng lưu lượng tuần hoàn máu não, giúp máu lưu thông đều đặn lên não và tới các chi nhằm cung cấp máu cũng như oxy cho não.
– Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu cục bộ, giúp chống sự phát triển nhồi máu não, tai biến mạch máu não và các căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến bại não.
– Điều trị chứng phù não, chấn thương não, các trường hợp như ù tai, chóng mặt, rối loạn tiền đình, tổn thương võng mạc do nguyên nhân thiếu máu hay tai biến mạch máu não gây ra.
– Tốt cho những bệnh nhân bị bệnh Alzhimer, người mắc cao tuổi mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần với các biểu hiện: trí nhớ rối loạn, khả năng trí tuệ giảm, lú lẫn hay rối loạn trong các hành vi cư xử.
– Cải thiện tình trạng mệt mỏi, trầm cảm, stress, lo âu ở học sinh, sinh viên và những người lao động trí óc thường xuyên.
– An thần, giúp ngủ ngon, tốt cho những người thường xuyên bị khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc do thần kinh bị căng thẳng, làm việc quá tải.

Đối với cơ thể
– Cao bạch quả có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Raynaud, tắc động mạch ngoại biên, xanh tím đầu chi và hội chứng sau viêm tĩnh mạch. Giúp bệnh nhân giảm đau buốt và đi lại dễ dàng.
– Giúp cơ thể tăng lượng oxy ở các mô, cải thiện rối loạn dẫn truyền thần kinh và dự phòng sự tổn thương màng do gốc tự do.
– Làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, kéo dài tuổi thọ nhờ hoạt chất chống oxy hóa falvonoic.
– Tăng cường thính giác nhờ việc tăng cường oxy đến các cơ quan.
– Ngoài ra, cao bạch quả còn có tác dụng cải thiện các vấn đề về rối loạn tình dục do thoái hóa điểm vàng, dùng thuốc, trị suyễn và bệnh trĩ…
1 số loại Ginkgo Biloba phổ biến trên thị trường
Công dụng của cao bạch quả ngày càng trở nên phổ biến nên các chế phẩm có chứa thành phần cao bạch quả (Ginkgo Biloba) là một trong những loại thuốc thảo dược được bán chạy nhất hiện nay điều trị những bệnh có liên quan đến trí não.
Trong đó, có:
Ginkgo biloba 120mg
Chiết xuất cao bạch quả 120mg, hỗ trợ tình trạng thiếu máu lên não, rối loạn thần kinh thị giác, tốt cho trí nhớ.
Liều dùng: Uống 1 viên/ngày cùng với bữa ăn hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ginkgo biloba 2000
Chứa hàm lượng chiết xuất cao bạch quả lớn 2000mg(2g), có công dụng tăng tuần hoàn máu não, cải thiện chứng suy giảm trí nhớ, lú lẫn ở người già, giảm stress cho những người chịu áp lực công việc, giúp an thần, ngủ ngon, giảm tình trạng tê cứng chân tay cổ vai gáy do tuần hoàn máu kém…
Liều dùng: Với những người trên 12 tuổi, uống từ 1 – 3 viên mỗi ngày trong hoặc sau bữa ăn. Không dùng với trẻ em dưới 12 tuổi và những người dị ứng với Ginkgo biloba.
Ginkgo biloba 60mg
Chiết xuất từ lá bạch quả với hàm lượng phù hợp 60mg trong mỗi viên. Hỗ trợ tốt cho hệ thần kinh, tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Đồng thời, cải thiện và làm giảm các di chứng sau tai biến mạch máu não và chấn thương sọ não.
Liều dùng: Uống 1- 2 viên mỗi ngày, chia làm 1- 2 lần, uống trong bữa ăn
Ngoài ra, còn có 1 số loại như: Ginkgo biloba 40mg, Ginkgo biloba 80mg, Ginkgo biloba 300mg… thuộc nhiều hãng, với hàm lượng chiết xuất từ cao bạch quả khác nhau nhưng đều có công dụng bổ trợ cho trí não.
Những lưu ý khi sử dụng cao bạch quả Ginkgo biloba
– Như đã nói ở trên bạch quả là dược liệu quý hiếm, tốt cho sức khỏe, trí não. Tuy nhiên, không nên dùng bạch quả mỗi ngày, phòng tránh ngộ độc, đặc biệt là trẻ em (các triệu chứng ngộ độc thường gặp là nhức đầu, phát sốt, co rút gân, bứt rứt khó chịu, nôn mửa, khó thở).
– Với các chế phẩm chiết xuất cao bạch quả Ginkgo biloba, cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
– Không ăn các bộ phận chưa được xử lý của cây bạch quả, vì hạt bạch quả chưa nấu chín có thể gây co giật và tử vong;
– 1 số đối tượng không nên sử dụng cao bạch quả: phụ nữ có thai, cho con bú, người đang có xuất huyết, rối loạn đông máu, người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.
– Bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật muốn sử dụng bạch quả cũng cần xin ý kiến của bác sĩ.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn đọc hiểu thêm về nguồn gốc, đặc điểm, công dụng chữa bệnh của cây cũng như cao bạch quả. Nếu như còn bất cứ thắc mắc gì, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp trong thời gian sớm nhất có thể.
Tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1ch_qu%E1%BA%A3
Nguồn: Gnite.com.vn