4 nguyên nhân dẫn đến stress tiền hôn nhân – Cách xử lý gọn!

Stress tiền hôn nhân khiến nhiều cặp đôi cảm thấy chán nản, lo lắng, suy nghĩ nhiều, thậm chí hối hận về quyết định lập gia đình của mình. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Phải làm sao để khắc phục? Cùng chúng tôi theo dõi bài viết này để có câu trả lời cũng như suy nghĩ tích cực hơn nhé!

Stress tiền hôn nhân

Stress tiền hôn nhân là gì?

Stress tiền hôn nhân chính là cảm giác áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng quá mức trước khi kết hôn. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả 2 phía hoặc chỉ có cô dâu/chú rể bị. 

Biểu hiện nhận biết stress tiền hôn nhân là: thường xuyên nổi nóng, cáu gắt với đối phương, luôn có cớ để chê đối phương, thậm chí là những cuộc tranh cãi không hồi kết về bất cứ vấn đề gì xoay quanh đám cưới: thiệp mời, khách mời, địa điểm chụp ảnh cưới, cỗ bàn, nghi lễ tổ chức, đặc biệt là chuyện tiền bạc (kinh phí để tổ chức, chi trả cho đám cưới)… 

Stress tiền hôn nhân khiến cả 2 mệt mỏi, chán nản, cảm thấy nặng nề, thất vọng, mọi thứ không như mong đợi, không thể hiểu được nhau, thậm chí muốn hủy hôn để chấm dứt mệt mỏi, áp lực.

Không những vậy, stress tiền hôn nhân còn ảnh hưởng đến thể chất, dẫn đến: mệt mỏi, đau đầu, căng hoặc đau cơ bắp, chóng mặt, khó thở, rối loạn tiêu hóa, gặp các vấn đề về tình dục, ham muốn suy giảm… Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Stress tiền hôn nhân là gì?
Stress tiền hôn nhân là cảm giác áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng quá mức trước khi kết hôn

4 nguyên nhân dẫn đến stress tiền hôn nhân

Stress tiền hôn nhân có thể vì rất nhiều lý do. Dưới đây, chúng tôi đã liệt kê 4 nguyên nhân thường gặp nhất ở các cặp đôi:

1. Stress tiền hôn nhân do áp lực về kinh tế

Áp lực về kinh tế chính là một trong những vấn đề có thể xảy ra ở rất nhiều cặp đôi, dẫn đến stress tiền hôn nhân. Việc phải chuẩn bị chi tiêu rất nhiều khoản: từ ảnh cưới, thiệp mời, nhẫn cưới… đến chi phí cỗ bàn, sắm sửa giường tủ, đồ đạc… khiến cả 2 mệt mỏi, áp lực. 

Đặc biệt là nam giới vì chú rể sẽ phải đứng ra gánh vác nhiều hơn, nhất là những người chưa có điều kiện, kinh tế hạn hẹp, phải đắn đo, suy tính kỹ càng. 

2. Chưa sẵn sàng để kết hôn

Một số cặp đôi chưa sẵn sàng kết hôn nhưng vì lỡ có bầu, tuổi tác cao, bố mẹ giục cưới, bị ép cưới, cưới cho xong… cũng dễ bị stress tiền hôn nhân do chưa thể hiểu được nhau, chưa sẵn sàng về chung 1 nhà, ngủ chung 1 giường và thay đổi mọi thứ để bắt đầu cuộc sống mới.

Một trong 2 người vẫn muốn ăn chơi, tự do, chưa muốn bị gò bó bởi trách nhiệm làm vợ/ chồng. Từ đó dẫn đến tâm trạng chán nản, không muốn nghĩ tới đám cưới cũng như hứng thú chuẩn bị cho cuộc sống mới. 

Chưa sẵn sàng để kết hôn
Stress tiền hôn nhân do 1 trong 2 hoặc cả 2 đều chưa sẵn sàng

3. Tâm lý quá căng thẳng, lo lắng

Tâm lý hồi hộp, lo lắng trước đám cưới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một số người không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, suy nghĩ quá nhiều dẫn đến stress tiền hôn nhân. Lo lắng khi về sống chung với chồng, mẹ chồng, công việc nhà, việc làm vợ, rồi sự nghiệp liệu có ảnh hưởng sau khi kết hôn, sinh con… 

Nam giới thì áp lực hơn về gánh nặng kinh tế, cơm áo gạo tiền, mua đất, xây nhà, tìm cách thăng tiến trong công việc để lo cho vợ con được tốt hơn… 

4. Thiếu đi sự chia sẻ dẫn đến stress tiền hôn nhân

Stress tiền hôn nhân cũng có thể do cả 2 bắt đầu thiếu đi sự chia sẻ. Có thể do công việc chuẩn bị đám cưới bận rộn, không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, nói chuyện với nhau. Cũng có thể ở giai đoạn này, cả 2 đã quá hiểu nhau, muốn tự tìm không gian riêng cho mình trước khi chính thức về chung một nhà.

Những tin nhắn hỏi thăm, lời nói ngọt ngào, câu yêu thương thưa dần khiến cả 2 bỗng trở nên xa cách, lạnh nhạt, thậm chí cảm giác đối phương không còn yêu thương, trân trọng mình như trước.

Thiếu đi sự chia sẻ dẫn đến stress tiền hôn nhân
Thiếu đi sự chia sẻ dẫn đến stress tiền hôn nhân

Lời khuyên từ chuyên gia: Cách vượt qua stress tiền hôn nhân

Hiểu rõ được những nguyên nhân bên trên, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra cách vượt qua stress tiền hôn nhân:

Chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cũng như tài chính

Hôn nhân không phải “nấm mồ của tình yêu” mà là sự khởi đầu mới, cuộc sống mới hứa hẹn nhiều niềm vui, hạnh phúc, gia đình nhỏ với những đứa con chung. Vì vậy, hãy kết hôn khi thật sự cảm thấy sẵn sàng, đến với nhau 1 cách tự nguyện và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị về tài chính cũng hết sức quan trọng. Để tránh stress tiền hôn nhân, hãy chuẩn bị 1 khoản nhất định để có thể chi trả cho đám cưới và chủ động trong mọi tình huống phát sinh. 

Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ

Vẫn biết hôn nhân là 1 trong những bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời, nhưng hãy giữ tinh thần thật thoải mái, lạc quan. Suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, mọi chuyện đâu ắt có đó. Hai người lấy nhau về là để cùng cố gắng, chia sẻ và cảm thông nên đừng tự tạo áp lực cho chính mình.

Chuyện mẹ chồng – nàng dâu, làm vợ – làm mẹ, việc nhà – việc công ty… rồi cũng sẽ có cách tự cân đối, làm quen dần. Người khác làm được thì mình cũng làm được thôi. 

Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ

Chia sẻ với nhau nhiều hơn

Chia sẻ để hiểu nhau, cảm thông cho nhau nhiều hơn. Đừng suy đoán, cũng đừng đặt câu hỏi rồi tự trả lời… Mọi vấn đề, khúc mắc đều cần nói ra để cả 2 hiểu nhau, nhất là trong giai đoạn tiền hôn nhân, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Hãy chắc chắn rằng, cả 2 đang cùng chung suy nghĩ, mục tiêu, cùng nhau cố gắng để chuẩn bị cho 1 đám cưới thật hoàn hảo.

Hâm nóng tình cảm, tạo cho nhau những bất ngờ

Những món quà bất ngờ, lời nhắn hỏi thăm, yêu thương… chưa bao giờ là thừa, ngay cả khi 2 người chuẩn bị kết hôn. Hãy luôn quan tâm nhau từ những điều nhỏ nhất. Hâm nóng tình cảm bằng những cuộc hẹn, đi ăn, đi chơi… ở những địa điểm mới, bạn sẽ càng có động lực để kết hôn và muốn thật sự gắn bó cả đời với đối phương. 

Tóm lại, stress tiền hôn nhân không phải là tình trạng hiếm gặp. Hãy bình tĩnh tìm ra nguyên nhân, dành thời gian để nhìn nhận lại mọi việc rồi mạnh mẽ vượt qua giai đoạn này nhé! 

Nguồn: Gnite.com.vn

Bạn cũng có thể thích